Tò Mò

Spread the love
  – ĐÔ. Phaolô Phan Văn Hiền                  

Từ xưa đến này, tò mò hay là tính thích tìm hiểu gắn liền với bản tính con người. Nhờ có tính tò mò này mà văn minh nhân loại được thành hình và ngày càng phát triển. Thật vậy, đứng trước những hiện tượng thiên nhiên hoặc khi phải đương đầu với những nhu cầu của cuộc sống, con người thường đặt câu hỏi về nguồn gốc, mục đích… và rồi tự tìm cách trả lời. Những câu hỏi bình dân như “Tại sao mưa? Bão từ đâu đến? Làm sao săn bắt chim trời, cá biển? Làm sao có lửa để nấu ăn và sưởi ấm?…”  là những khởi đầu cho óc tò mò và sáng tạo của con người. Tính tò mò đồng thời cũng giúp con người hiểu nhau, tôn trọng nhau và thông cảm nhau hơn. Tuy nhiên, tính tò mò này cũng có thể mang lại những hậu quả tai hại, nhiều khi làm tan vỡ tương quan tình cảm gắn bó giữa những người thân, bạn bè, hay đối tượng làm ăn, nếu sử dụng theo ý hướng xấu.  

(tiếp theo trang 1)

Bài Tin Mừng hôm nay của Thánh Luca thuật lại câu chuyện Chúa Giê su vào dự tiệc tại nhà một người Biệt Phái quyền thế. Ông ta cũng mời rất nhiều người thân thích, đồng nghiệp, bạn bè làm ăn trong giới thượng lưu quý tộc của mình và tất cả đều đến dự tiệc, chỉ vì tò mò muốn gặp Đức Giê-su thành Nazareth, một nhân vật mới nổi tiếng và đang lôi cuốn mọi người khắp nơi. 

Được mời lần này, họ cảm thấy rất phấn khích vì muốn tận mắt thấy Đức Giê-su bằng xương bằng thịt, muốn chứng kiến cách hành xử của Ngài, và nhất là muôn nghe tận tai lời Ngài nói ra. Họ tự hỏi Đức Giê-su này có gì đặc biệt mà thiên hạ lại chạy theo như chưa từng thấy trước đây, và điều này có ảnh hưởng đến tiếng tăm và quyền lợi của họ không. Vì thế, họ càng để ý quan sát Ngài một cách kỹ lưỡng hơn. Không một cử chỉ, một lời nói nào của Ngài lọt ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Mục đích của sự quan sát này là để đánh giá con người của Ngài, và nếu cần sẽ bôi nhọ, vu khống Ngài như một cách để bảo vệ giai cấp và lối sống của mình.

Thật không may cách sống khoe khoang, háo danh của họ lần này lại rơi vào tầm ngắm của Đức Giê-su. Tới dự tiệc, họ tìm chỗ ngồi danh dự vì nghĩ rằng mình xứng đáng được vinh dự đó. Và điều này đã trở thành đề tài Đức Giê-su nhắm tới. Ngài khuyên họ hãy sống khiêm tốn, vì khiêm tốn giúp mình tự nhận ra giá trị đích thực của mình, và nhất là giúp mình tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng thông ban mọi sự tốt lành cho con người. Nói cách khác, với khiêm tốn họ mới có thể nhận ra khuôn mặt thật của Đức Giê-su, Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, và từ đó thay đổi cuộc sồng để tìm gặp ơn cứu độ.

Như vậy, tò mò không thật sự là hoàn toàn xấu. Trong đời sống thiêng liêng, tò mò có thể đem lại những hậu quả tốt lành, nếu chúng ta biết sử dụng nó để nhận ra sự thật về mình và về người khác, nhờ đó chúng ta không còn tự kiêu, phách lối về mình, và không phán đoán về người khác một cách bất công, sai sự thật, nhằm hạ thấp hay bôi nhọ danh dự của người khác. Đó chính là bản chất của khiêm nhường mà Chúa muốn nhắc nhỡ chúng ta trong Tin Mừng hôm nay.

Nhưng thế nào là khiêm nhường thật? Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng.

Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng.

Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật. (ĐHV 509)