Im Lặng Là Bạo Hành

Spread the love

Trong những cuộc biểu tình vừa qua, có một khẩu hiệu rất lạ: “silence is violence.” Tạm dịch: im lặng là bạo hành. Chúng ta thường nghe “im lặng là vàng”, nhằm đề cao sự quý giá của im lặng. Ở đây, khi trương biểu ngữ “im lặng là bạo hành”, có lẽ những người biểu tình muốn nói: chúng ta (= mọi người) phải lên tiếng chống lại bạo hành, vì im lặng chính là đồng lõa với bạo hành. Khẩu hiệu này khá cực đoan trong một hoàn cảnh xã hội và chính trị phức tạp như hiện nay. Dầu sao, nó cũng gợi ý chúng ta về sứ mạng ngôn sứ của người Kitô-hữu.

Ngôn sứ Giêrêmia mà chúng ta nghe trong bài sách thánh hôm nay đã lên tiếng chống lại cả giáo quyền lẫn chính quyền thời đó, vì họ đã lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Sứ điệp của Ngài quá thẳng thắn, vì thế Ngài bị bắt bớ, tù tội, lưu đày và giết chết.  Không phải Giêrêmia không biết sợ…

Đã nhiều lần Ngài kêu than với Chúa vì đã trao cho Ngài một sứ mạng đầy nguy hiểm. Nhưng việc phải làm thì Ngài vẫn can đảm chu toàn, vì Ngài tin: “Đức Chúa hằng ở bên con, như một trang chiến sĩ oai hùng.”

Trong bài Phúc âm, chúng ta nghe Chúa Giêsu an ủi các môn đệ khi Ngài sai họ đi làm chứng cho Nước Trời: “Anh em đừng sợ người đời… Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.”

Ngày nay, chúng ta không phải sợ bị bách hại như thời các thánh tử đạo. Nhưng nhiều lúc chúng ta ngại ngùng không muốn tuyên xưng đức tin trước mặt người khác trong chỗ làm, trong trường học, nơi tiệm ăn, hay trên chính trường. Khi phải bảo vệ sự thật hoặc phải lên tiếng chống lại những đạo luật và những dân cử vô luân, chúng ta trốn tránh.

Sứ mạng làm ngôn sứ của những người cha trong gia đình mình đặc biệt quan trọng. Ơn gọi làm cha là một ơn gọi đầy thử thách. Người cha lãnh trách nhiệm dạy dỗ con mình trong đức tin. Nếu người mẹ là biểu tượng của sự âu yếm chiều chuộng thì người cha phải làm sao cho con cái hiểu được đúng sai tốt xấu. Đôi khi cũng phải dùng đến uy quyền và cả hình phạt. Nhưng người cha biết yêu con, sẽ không ngại uốn nắn con mình theo lẽ chính đường ngay.

-Lm. F.X. Bùi Ngọc Tỷ