Học Hỏi Sống Đạo – Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay Năm B

Spread the love

Hỏi: Tước hiệu “Ðức Chúa” có ý nghĩa gì?

Đáp: Trong Thánh Kinh, thường tước hiệu này để chỉ Thiên Chúa tối cao. Chúa Giêsu tự nhận cho mình tước hiệu này và mạc khải quyền tối thượng thần linh của Người qua quyền năng của Người trên thiên nhiên, trên ma quỉ, trên tội lỗi và trên cái chết, và nhất là qua cuộc phục sinh của Người. Những tuyên xưng đầu tiên của các người Kitô hữu công bố quyền năng, danh dự và vinh quang dành cho Thiên Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu, Ðấng mà Thiên Chúa “đã ban tặng danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,9). Người là Ðức Chúa của trần gian và của lịch sử, là Ðấng duy nhất mà mọi người, với sự tự do của mình, phải hoàn toàn tùng phục.

 

Hỏi: Tại sao Con Thiên Chúa làm người?

Đáp: Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, có nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để làm cho chúng ta trở thành những người “được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4).

 

Hỏi: Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì?

Đáp: Hội thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Ðể thực hiện công cuộc cứu rỗi chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành “xác thể” (Ga 1,14), trở thành con người thật. Ðức tin vào mầu nhiệm Nhập thể là dấu chỉ phân biệt của niềm tin Kitô giáo.

 

Hỏi: Ðức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như thế nào?

Thưa: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Ðấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha”, Người thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, tuy không ngừng là Thiên Chúa, là Ðức Chúa của chúng ta.

 

(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011)