Học Hỏi Sống Đạo – 10/08/2017

Spread the love

Hỏi: Tin vào Thiên Chúa có ý nghĩa cụ thể gì cho con người?

Đáp:

Tin vào Thiên Chúa có nghĩa là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chân lý do Ngài mạc khải vì Ngài chính là Chân lý. Ðiều này có nghĩa là tin vào Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hỏi: Ðức tin có những đặc điểm gì?

Đáp:

Ðức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự do gắn bó với chân lý của Thiên Chúa. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động “nhờ Ðức ái” (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời.

Hỏi: Tại sao đức tin là một hành vi cá nhân nhưng đồng thời cũng là hành vi mang tính giáo hội?

Đáp:

Ðức tin là một hành vi cá nhân, vì đó là sự đáp trả tự do của con người đối với Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải. Nhưng đồng thời đó cũng là một hành vi mang tính giáo hội, tính chất này được bày tỏ trong lời tuyên xưng đức tin: “Chúng tôi tin.” Thật vậy, chính Hội thánh tin: qua đó, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đi bước trước, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin của mỗi người. Vì thế, Hội thánh là Mẹ và là Thầy.

Hỏi: Phải hiểu như thế nào về đức tin duy nhất của Hội thánh?

Đáp:

Dù được hình thành do nhiều người khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, Hội thánh đồng thanh tuyên xưng một đức tin duy nhất, được lãnh nhận từ một Chúa duy nhất và được chuyển đạt qua một Truyền thống tông đồ duy nhất. Hội thánh tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – và dạy một con đường cứu độ duy nhất. Vì thế, chúng ta, cùng một lòng một ý, tin những gì chứa đựng trong Lời Chúa, được truyền đạt hay được viết ra và được Hội thánh xác định là do Thiên Chúa mạc khải.

(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011)