Gương Thánh Trong Tuần – Thánh Antôn, Thánh Sebastianô

Spread the love

Thánh Antôn Cả, Tu Viện Trưởng (Khoảng 251-356) – Kính ngày 17 tháng 1

Cosma, một ngôi làng xinh đẹp với cảnh sắc thơ mộng của miền Ai Cập đã là nơi đón nhận Antôn vào cuộc  sống. Antôn lớn lên giữa bầu khí đầm ấm của một gia đình quý phái. Nhưng rồi
cha mẹ lần lượt khuất bóng và Antôn  phải bao bọc em gái. Hai người luôn thương yêu và nâng đỡ lẫn nhau.

Một buổi sáng, Antôn tới nhà thờ dự thánh lễ và đã nghe lời Phúc Âm: “Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, phân phát cho kẻ nghèo khó” (Mt 19, 21). Tưởng như Chúa đã phán bảo chính mình, Antôn đã quyết tâm thực hiện. Chàng chia ruộng đất cho bà con lối xóm, bán tất cả những cái đang có, lấy tiền bố thí cho người túng bấn, gửi em gái vào một cộng đồng trinh nữ, còn chàng một mình lên đường theo tiếng gọi của Chúa bên Ai Cập (khoảng năm 270).

Sau nhiều ngày lang thang, ngài đã gặp một vị tu hành và dựng lều gần vị ấy để học tập cuộc sống khổ hạnh. Nhân đức của chàng sáng chói và được các bạn hữu cùng lý tưởng quý mến. Trong thời gian này, ma quỷ dùng mọi nỗ lực để cám dỗ chàng, nhưng chàng đã dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh như khí cụ để chiến thắng.

Năm 35 tuổi, Antôn vào sa mạc hầu được hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Danh tiếng ngài đồn xa. Khách thập phương kéo đến xin ngài chỉ dạy. Năm 305, ngài từ bỏ cuộc đời ẩn tu để thiết lập các tu viện và đã quy tụ được rất nhiều môn đệ.

Ngoài ra, ngài còn nuôi ước vọng tử đạo. Năm 327, hoàng đế Maximinô Dain ra sắc chỉ cấm đạo Công Giáo. Thánh nhân liền tới Alexandria để khích lệ những người sắp lãnh nhận cái chết vì danh Ðức Kitô, và ngài đã ở lại đó cho đến khi cơn bách hại chấm dứt. Từ đó, ngài dựng lều trên sườn núi Gokzin, suốt ngày tiếp đón mọi người và làm nhiều phép lạ: Chữa lành bệnh nhân, trừ ma quỷ và nói tiên tri.

Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356, hưởng thọ 105 tuổi. Năm 561, xác ngài được đem về an táng trong nhà thờ thánh Gioan Tiền Hô tại Alexandria. Lòng sùng kính ngài phát sinh từ các giáo Hội Trung Ðông, tràn sang Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

 

Thánh Sebastianô Quân Nhân Tử Đạo (+303) – Kính ngày 20 tháng 1

Chúng ta không được rõ về năm sinh của thánh Sebastianô, nhưng chắc chắn rằng ngài thuộc gia đình quyền quý và đã sống sung túc.

Năm 283, Sebastianô gia nhập quân đội. Nhờ lòng can đảm và trí thông minh, ngài đã được các bậc chỉ huy tín nhiệm và nhất là được hoàng đế Ðiôclêtianô quý mến. Bởi đó, ngài được vinh thăng đại úy trong lữ đoàn phòng vệ, tuy nhiên hoàng đế vẫn không biết ngài là người Công Giáo.

Với chức vụ sẵn có, ngài đem tất cả nghị lực thời gian, len lỏi vào các trại giam để nâng đỡ an ủi các tín hữu bị bắt giữ, sẵn sàng hy sinh tới giọt máu cuối cùng. Ðồng thời, ngài cũng đã làm những phép lạ nhân danh Ðức Kitô, khiến nhiều người từ bỏ tà thần tin theo Thiên Chúa nhân lành.

Cơn giông tố phũ phàng nhất xảy đến cho Giáo Hội: hoàng đế ra lệnh thanh trừng gắt gao những người giữ đạo (300). Các tín hữu lần lượt ngã gục dưới lưỡi gươm của lý hình, và những hành động của Sebastianô cũng không thoát khỏi cặp mắt canh chừng của bọn công an. Họ tố cáo ngài với hoàng đế. Lúc đầu hoàng đế không tin, nhưng cũng cho đòi ngài đến điều tra. Trước mặt hoàng đế ngài đã mạnh dạn tuyên xưng là người Công Giáo. “Thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời loài người” (CvSđ 5, 29). Khi thì hoàng đế hứa ban thưởng, lúc lại đe dọa, nhưng vẫn không lay chuyển đức tin kiên vững của ngài. Tức giận, hoàng đế giao cho các tiểu đội bắn cung thi hành việc xử tử.

Họ điệu ngài ra ngoài thành, lột áo và trói ngài vào cột. Thân xác ngài trở nên bia hứng trọn những mũi tên bay tới. Nhưng ngài vẫn chưa chết, và ban đêm được một tín hữu đem về nhà cứu sống. Sau khi bình phục, ngài lẻn vào hoàng cung để phản đối những hành động dã man của hoàng đế. Hoàng dế ra lệnh đánh đòn, chém đầu và quăng xác xuống hồ. Bà Lucine, một người đạo đức và sốt sắng đã đem xác ngài về chôn cất tại một hang toại đạo và thế kỷ IV, người ta đã xây cất trên mộ ngài một thánh đường nguy nga.

 (Theo nhóm truyền giáo Châu Kiên Long, Đà Lạt)