Ai Là Hàng Xóm Của Tôi?

Spread the love

NoiKet_16184Nhớ ngày nào còn ở Việt Nam, những hình ảnh đẹp trong ký ức vẫn còn đó với những ngôi nhà sập xệ sát vách và những người hàng xóm vẫy tay chào hỏi nhau mỗi sáng qua hàng rào. Hai thập niên đổ lại đây kể từ khi nối lại bang giao với Hoa Kỳ năm 1994, nền kinh tế nước nhà từ từ tăng tốc và trở thành một trong các quốc gia có đà tăng trưởng kinh tế mạnh ở Châu Á. Nhìn từ góc độ kinh tế, nạn đói và nghèo vẫn còn đó, nhưng so với những thập niên 70 và 80 thì khá hơn nhiều. Thế nhưng đi sâu vào thực tế xã hội, sự thiếu quân bình trong tăng trưởng kinh tế và nạn tham nhũng lạm quyền đang là một trong những nguyên nhân chính phát sinh ra một quái thai của sự phân biệt, bất công, bóc lột và bất bình đẳng xã hội. Thiểu số người giàu cứ giàu lên còn đa số người nghèo lại càng nghèo. Có thể nói dưới cái xã hội chủ nghĩa, chỉ có 3 tầng lớp: cực giàu, nghèo và bần cùng. Giới trung lưu trong nước vẫn chỉ là tầng lớp nghèo khá hơn lớp bần cùng. Nhìn từ góc cạnh tâm linh, đây cũng chính là một trong những trăn trở cho các vị chủ chăn tinh thần trong việc định hướng cho những mục vụ tương lai.

Khi người dân có tiền, họ bắt đầu xây nhà lầu và mua xe hơi chạy. Xây nhà lầu cũng đồng nghĩa xây những bức tường ngăn cách nhau. Hàng xóm ở các thành phố lớn không còn nhìn nhau qua hàng rào, nhưng qua những xong cửa sắt to cao hoặc qua màn hình an ninh. Chạy xe hơi có vẻ như là một lời khẳng định vị trí mình trong tầng lớp xã hội. “Nhưng ai là anh em của tôi?”

“Nhưng ai là anh em của tôi?” Đây là câu hỏi dễ trả lời đối với người thông luật, nhưng đó lại là một câu hỏi khó trả lời, một sự giằng co lương tâm đối với những Kitô hữu chân chính. “Kẻ đã tỏ lòng thương xót” là câu trả lời. Không nhiều thì ít, chúng ta thường hay bị áy náy lương tâm khi tỏ lòng thương xót. Điển hình, khi thấy những người đứng xin tiền ở các nhà thờ hoặc lề đường freeway exit. Lòng thì rất muốn cho, nhưng tâm trí thì rút lại. Để đồng cảm và bớt áy náy, chúng ta nên đi từng bước một. Tôi xin đề nghị chúng ta nên tập thói quen nhớ đến những người nghèo khi cầu nguyện trước mỗi bữa ăn. Không nhất thiết chúng ta phải giúp họ bằng thiện kim, nhưng có thể bằng những hình thức khác. Có lần tôi đang dừng đèn đỏ. Một người ăn xin chạy đến. Tôi đưa cho anh ấy một thẻ mua cà phê Starbucks. Thay vì nói lời cảm ơn, anh ấy hỏi: “Còn bao nhiêu trong này?” “Đủ để có ăn thôi!” Ăn xin bây giờ thích xin tiền, không thích xin ăn. Tôi thiết nghĩ không giúp người nghèo được nhiều, nhưng có giúp cho họ ăn đã là một bước nhỏ mà đẹp rồi.