Phép Rửa Là Ngưỡng Cửa

Spread the love

NoiKet_16158Bí tích rửa tội không chỉ là bí tích khai tâm mà còn là ngưỡng cửa đưa nhân loại bước vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua phép rửa, con người được đặc ân gọi Thiên Chúa là Cha và thông phần vào sự phục sinh của Đức Kitô. Chúa Giêsu không nhất thiết cần được rửa tội vì Ngài đâu có tội gì để rửa, nhưng Ngài muốn thánh Gioan rửa Ngài để Ngài mở lối cho con người được như Ngài. Kể từ đó, tên và linh hồn của mỗi Kitô hữu được đóng ân và niêm phong bởi nước và Thánh Thần: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” Tiếng từ trời này xưa kia đã phát ra khi Chúa Giêsu chịu rửa cũng vẫn là tiếng nói âm ỉ trong thâm tâm mỗi khi những dòng nước được đổ trên đầu nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có hay không tôi chắc, nhưng có thần thánh nào chấp nhận con người làm nghĩa tử trên thế gian này không không? Các thần thánh mà tôi biết đến qua các thần thoại Hy Lạp hay các tôn giáo khác luôn coi con người là nô lệ hoặc là công dân hạng hai. Trong khi đó, Chú Giêsu chấp nhận từ bỏ ngôi vương để mặc lấy xác phàm và lãnh nhận phép rửa như chúng ta để rồi chúng ta được lớn lên trong Ngài.

Như đã nói ở trên, bí tích rửa tội là ngưỡng cửa của tình thương Thiên Chúa, nhưng một số người có vẻ vẫn xem bí tích này như một điều lệ cực kỳ khắc khe bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài. “Cháu con có được rửa tội không cha vì cha mẹ nó sống chung không hôn thú?” Có tội hay không vẫn là tội của cha mẹ đứa bé, nhưng đứa bé là một nhân vị thứ ba hoàn toàn vô tội. Tại sao vì tội của cha mẹ mà đứa bé bị lấy đi đặc ân làm con cái của Thiên Chúa? Tổ tiên Adong và Evà phạm tội, nhưng Thiên Chúa vẫn đón nhận hậu thế làm con của Ngài. “Bố mẹ nó lại đổi ý không cho cháu rửa tội, con có nên rửa tội lén lút cho cháu hay không?” Vì không hiểu hay không quý đặc ân làm con Chúa, cha mẹ mới cấm cản. Lén lút cũng tùy hoàn cảnh. Áp đặt con cháu phải rửa tội ngoài sự đồng ý của cha mẹ không những không thoải mái mà có thể bị vướng vào những phức tạp pháp lý. Cách hay nhất là mình sống tốt lành để chứng minh cho họ thấy mọi sự tốt lành đều được khai mào từ phép rửa vậy. “Cứ để cháu trưởng thành rồi tự nó chọn niềm tin cho chính nó.” Thật ra, có rửa tội mà không biết hoặc không trân trọng thì cũng gần giống như là chưa rửa tội bao giờ. Khác nhau chỉ là hình thức có giấy tờ sổ sách đã được rửa hay chưa. Mong muốn rửa tội sớm cho con cháu không nằm ngoài thiện ý tốt vẫn là quan tâm và mong muốn những điều tốt đẹp cho linh hồn bé thơ. Nói cho cùng, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta vô bờ bến. Càng cố gắng sống yêu thương kẻ khác nhiều chừng nào thì thời gian sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn nhiều chừng ấy. Phép rửa là nguồn mạch ân sủng và là ngưỡng cửa đưa linh hồn đến chân thiện mỹ cuối cùng.