Cho Vì Yêu, Không Vì Thừa

Spread the love

NoiKet_15149Cha phó ở giáo xứ tôi có kể một câu chuyện về cuộc đối thoại giữa hai tờ giấy bạc $100 và $1 đôla.

– Ông chủ mày có xộp không? Tờ $1 hỏi tờ $100.

– Quá xộp! Tao được đến shopping, đi đổ xăng, vào nhà hàng rồi còn ghé vào massage nữa. Tờ $100 trả lời.

– Còn mày thì sao? Tờ $100 hỏi lại.

Tờ $1 xụt xùi tủi thân đáp: Chán thấy mồ! Tao chỉ được đến nhà thờ mà thôi.

Nhiều người vẫn cho rằng mỗi thúng tiền xin được là nhiều và đủ để nuôi cha và giáo xứ. Chỉ có những thiện nguyện viên đếm tiền cho nhà xứ mới hiểu được nỗi buồn của cha xứ trong lúc này. Trong suốt nhiều thập niên liên tiếp, tờ 1 đôla vẫn luôn thống trị theo số lượng ở rất nhiều giáo xứ.

Có nhiều lý do giáo dân chỉ bỏ $1: kinh tế gia đình còn eo hẹp, tiết kiệm tiền cho con vào đại học, tôi chỉ đi lễ ở giáo xứ này nên không có trách nhiệm đóng góp v.v. Bên cạnh đó, vẫn có người cho rằng việc bỏ tiền nhà thờ là làm ơn cho Chúa thay vì là một hành động tri ân, công bằng và bác ái. Nếu chúng ta suy gẫm sâu vào bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khen hành động của bà goá không phải vì bà ấy đã cho nhiều mà là bà ấy đã thật sự cho đi. Bà ấy đã biết nghĩ đến những chi phí tốn kém mà Đền Thờ cần để trang trải. Bà ấy đã cho vì yêu, không phải vì thừa. Trong thực tế, truyền thống dâng lên Thiên Chúa 10% hoa lợi của mình đã có từ thời Cựu Ước xa xưa: “Thập phân trên đất đai: do giống gieo trên đất, hay hoa quả cây cối, là của Yavê, đó là của thánh dâng cho Yavê” (Lêvi 27:30, Thứ Luật 14:22-29). Công tâm mà nói, là chánh xứ, cá nhân tôi cần tiền để trang trải và bảo trì nhà Chúa, nhưng thực chất, Thiên Chúa chẳng bao giờ cần đến tiền của chúng ta vì tất cả những gì mình đang có như sức khoẻ, tài năng và tiền bạc cũng đều là hồng ân Ngài ban cho mà thôi. Bởi thế, việc bỏ tiền thau hàng tuần không chỉ đơn thuần là hành động bác ái mà còn là bổn phận Kitô đối với Thiên Chúa và trả lẽ công bằng cho giáo xứ chúng ta đang sinh hoạt.

Mỗi khi chúng ta đi ăn nhà hàng cho dù ngon hay dở, phục vụ tốt hay kém, chúng ta ít nhiều cũng lịch sự bỏ lại $1 đôla tiền tê (ngôn từ của làng Nail). Trong trường hợp tệ lắm lắm, chúng ta bực bội không bỏ lại một đồng tê nào hết thì chúng ta cũng phải trả tiền ăn và tiền ăn vẫn nhiều hơn một đồng. Như vậy, chúng ta có cảm thấy công bằng với $1 đôla hằng tuần trong mỗi bữa tiệc thánh không? Chúng ta bỏ tiền vào nhà thờ là để tạ ơn Thiên Chúa hay là vì ông cha bà sơ hay cho riêng mình? Mỗi người chúng ta hãy can đảm nhìn lại chính mình và tự vấn: Lạy Chúa, con có sống công bằng với những gì Ngài đã và đang ban cho con chưa? Con có chu toàn trách nhiệm với Ngài, với giáo xứ và với những anh chị em chung quanh con chưa? Một sự ngẫu nhiên hai vị thánh trứ danh Ambrôsiô và Phanxicô Assisi đều có chung một nhận xét. Thánh Ambrôsiô đã nói: “Người giàu có cho người nghèo khó không phải là bố thí làm ơn mà là trả nợ.” Và thánh Phanxicô, “Nó sẽ được cho là ăn cướp về phần chúng ta nếu chúng ta không cho những ai đang có nhu cầu cần hơn chúng ta.”