Tổng hợp các ý kiến được công bố của các nhóm nhỏ về phần thứ ba của Thượng Hội đồng

Spread the love

(22/10/15)- Công việc của Thượng Hội đồng về gia đình đã tới hồi kết thúc. Trong ngày thứ Tư 21 tháng Mười, chỉ có Uỷ ban soạn thảo Bản Tường trình đúc kết để trình lên Đức Thánh Cha vào ngày thứ Bảy tới đây, tiếp tục làm việc. Chiều thứ Ba 20-10, Thượng Hội đồng nhóm phiên họp toàn thể thứ mười bốn để nghe các tường trình viên của mười ba Nhóm theo ngôn ngữ trình bày kết quả thảo luận của mỗi Nhóm về phần thứ ba của Tài luệu làm việc, “sứ vụ của gia đình ngày nay.”

Sau đây là bản tóm lược các tường trình này.

Thượng hội đồng vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình

Các nghị phụ đều đồng ý cho rằng con đường quả là còn dài trong suy tư của Giáo hội về một số vấn đề, đặc biệt, về việc lãnh nhận các bí tích của các người ly dị tái hôn và về người đồng tính luyến ái. Nhìn chung, các Nhóm đồng ý rằng cần phải đồng hành sát cánh hơn nữa với các gia đình bị tổn thương, theo một“phương pháp giáo dục của lòng thương xót”, tránh những cách cư xử quá cứng cỏi vốn chỉ thấy có lý thuyết. Việc áp dụng phương pháp giáo dục này còn phải được triển khai. Có nhiều con đường giữa những người chủ trương giải quyết theo từng trường hợp, dưới trách nhiệm của các Hội đồng giám mục và ngược lại, những người nhấn mạnh là các vấn đề về lý thuyết thuộc thầm quyền của một Công đồng chứ không phải của một Thượng Hội đồng.
Nhiều đề nghị được lặp lại về vấn đề “con đường sám hối” dành cho người ly dị tái hôn, mà có người gọi là “con đường giao hoà”. Một số nhóm đã đề nghị là Đức Giáo Hoàng nên ủng hộ việc thành lập một Uỷ ban chuyên biệt có nhiệm vụ xem xét các trường hợp của các gia đình bị tổn thương, chứ không chỉ riêng vấn đề các người ly dị tái hôn.

Về những người đồng tính luyến ái
Nhiều cách thức khác nhau đã được trình bày liên quan đến vấn đề các người đồng tính luyến ái: nếu có một số nghị phụ nhắc nhở là cần phải tiếp nhận những người này mà không kỳ thị, thì một số nghị phụ khác lại nhấn mạnh: vấn đề không nằm trong chủ đề của Thượng Hội đồng. Ngược lại, các nhóm đều đồng ý là phải từ chối nhìn nhận các cặp cùng giới tính, và không đánh đồng việc chuẩn bị hôn nhân với sự kết hợp của hai người đồng tính.

Gia đình là nơi loan báo Tin Mừng
Trong số các chủ đề được bàn luận nhiều nhất, các nhóm đã nhấn mạnh rằng gia đình có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Và Giáo hội được mời gọi nâng đỡ chiều kích này. Chủ đề chuẩn bị hôn nhân cũng được bàn cãi rộng rãi, các nghị phụ nhấn mạnh rằng cần phải có những bước đi thích hợp và tập trung vào Lời Chúa. Nhiều nhóm cũng nhấn mạnh rằng Giáo hội cần tìm ra một ngôn ngữ thích hợp hơn để gọi các thực tế của các gia đình đương thời. Giáo hội phải vượt qua tình trạng tĩnh tại để đến với sự năng động bằng cách làm cho giáo huấn về gia đình của mình có thể đến gần hơn nữa mà không làm biến dạng giáo huấn này, để có thể mở ra một mà không làm biến dạng giáo huấn này, để có thể mở ra một cuộc đối thoại mới với các gia đình. Một số nghị phụ gợi ý chẳng hạn liên quan đến việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể của người ly dị tái hôn, Giáo hội nên nói họ phải “kiêng” thay vì “bị cấm” rước lễ.
Cả mười ba Nhóm đều lặp lại tầm quan trọng của việc nêu cao nét đẹp và niềm vui của tính dục trong cuộc sống vợ chồng, được nhắc lại trong giáo huấn của Đức giáo hoàng Phaolô VI và đặc biệt Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hôn nhân khác tôn giáo: cơ hội để đối thoại liên tôn
Nhiều Nhóm đã thảo luận về các cuộc hôn nhân khác tôn giáo tại một số nước, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nêu lên các khía cạnh tích cực. Các điểm tích cực này là một sự mở ra cho cuộc đối thoại liên tôn, thực tại của nhiều nước ở châu Phi hay Cận Đông.
Cuối cùng các thành viên của Hội nghị Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh đến các khía cạnh tích cực của hôn nhân dân sự hay của các cặp chia sẻ cuộc sống chung, trong trường hợp có thể dẫn đến hôn nhân bí tích. Nhiều nhóm đã nhấn mạnh tới việc phải quan tâm hơn nữa tới các đôi vợ chồng đã ly thân hay ly dị, đặc biệt, những đôi đang phải sống trong sự nghèo khổ, những người phụ nữ đơn thân và nạn nhân của bạo lực, những người tị nạn, di dân hay nạn nhân của các vụ xung đột… đó là những trường hợp khiến gia đình bị tổn thương.
(Theo Mai Tâm, hdgmVietnam.org)